Tuy đã có nhiều biện pháp can thiệp từ cơ quan chức năng nhưng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay vẫn đang là một vấn đề nhức nhối nhất là đối với những ngành hàng thực phẩm tiêu dùng hàng ngày như thịt, rau, hoa quả...
Kể từ 31/7 vừa qua, Sở công thương TP HCM chính thức bắt tay vào thực hiện đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, điều này đã được thực hiện tại nhiều cơ sở giết mổ và được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng. Tuy nhiên hiệu quả mang lại còn chưa cao do hạn chế về thủ tục thực hiện bằng công nghệ thông tin cũng như các chủ cơ sở kinh doanh giết mổ chưa thực sự ý thức, tự giác.
Thêm vào đó thì chính phủ tiếp tục đưa ra một nghị định mới nhất trong tháng 9/2017 này về việc đảm bảo vệ sinh an toàn ngành thực phẩm thịt. Theo đó, tất cả những cơ sở kinh doanh thịt bẩn, ngâm thịt bằng hóa chất hay có hành vi bơm nước, tiêm thuốc trước khi thực hiện giết mổ, hay những doanh nghiệp không thực hiện đăng ký chất lượng sản phẩm sẽ bị phạt với mức phạt có thể cao gấp 10 lần mức phạt cũ, thâm chí có cơ sở, doanh nghiệp sẽ buộc dừng hoạt động.Nghị định số 90/2017/ND-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y sẽ chính thức có hiệu lực. Khác với quy định hiện hành tại Nghị định số119/2013/NĐ-CP, tại nghị định mới này, cơ quan chức năng sẽ tăng mức phạt với hầu hết các hành vi vi phạm nhất là về lĩnh vực liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cụ thể, với những hành vi gian lận của các thương lái như bơm nước vào thịt heo, thịt bò trước khi đưa vào giết mổ để tăng trọng lượng thịt, trước đây chỉ bị phạt hơn 5 triệu đồng, với số tiền này, mức phạt này không ăn nhằm gì so với lợi nhuận họ thu được . Nhưng với nghị định mới này, hình phạt có thể cao gấp 10 lần. Nếu phát hiện cơ sởcó hành vi bơm nước vào động vật thì cơ sở đó sẽ bị phạt 17,5 triệu đồng và cơ sở sẽ bị phạt 32,5 triệu đồng nếu sử dụng thuốc an thần. Tổng số tiền phạt lên tới 50 triệu đồng đồng thời tịch thu và tiêu hủy toàn bộ lô hàng . Còn với những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật có chứa chất cấm trước đây bị phạt 12,5 triệu đồng thì nay mức phạt sẽ tăng lên 40-50 triệu đồng. Đồng thời toàn bộ số hàng sẽ bị tịch thu tiêu hủy chứ không như trước đây chỉ tịch thu một số , số còn lại cho lưu giữ chờ xét nghiệm, nếu âm tính vẫn được giết mổ và tiêu thụ. Tương tự, những hành vi ngâm, tẩm hóa chất để biến thịt heo nái thành thịt bò, thịt gà cong nghiệp thành gà ta...trước đây chưa có quy định xử phạt, thì nay sẽ bị xử 22,5 triệu đồng nếu phát hiện có hành vi vi phạm. Một điểm đáng ghi nhận của nghị định này nữa là, sẽ phạt là 2,5 triệu đồng đối với những cơ sở chăn nuôi, kinh doanh các sản phẩm từ động vật không có sổ sách lưu giữ các thông tin để truy xuất nguồn gốc.
Theo chia sẻ của Trưởng Phòng Thanh tra Chi cục Thú y TP HCM - ông Khương Trần Phúc Nguyên, Nghị định mới này hoàn toàn hợp lý và rất khả thi. Việc tăng mức phạt bằng cách đánh nặng vào kinh tế của các cơ sở chế biến, kinh doanh kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung, sẽ phần nào giảm bớt được những hành vi gian lận. Ví dụ rõ nhất chứng minh điều này là sau khi các ban ngành quyết liệt tiêu hủy lô 80 con heo có chất tạo nạc bị cấm của một cơ sở chăn nuôi vào tháng 4-2016 tại TP HCM, thì đến nay khi tiến hành kiểm tra lại, đã không thấy cơ sở này còn vi phạm nữa.
Không biết hiệu quả mang lại đến đâu, nhưng đây cũng là một tin vui khi các cơ quan chức năng đã vào cuộc bảo vệ lợi ích và sự an toàn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là sự thông thái và kiến thức của người tiêu dùng, nói không với thực phẩm bẩn, chỉ sử dụng những sản phẩm rõ nguồn gốc, được công bố chất lượng, có như thế thì mới không có đường cho thực phẩm bẩn có cơ hội xuất hiện trên thị trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét